(TBVTSG) - Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về doanh nghiệp trong nước sử dụng các trang mạng xã hội để tiếp thị, quảng cáo nhưng có thể dễ dàng nhận ra ngày càng có nhiều nhãn hàng Việt Nam xuất hiện trên Facebook, Twitter, Zing Me... Theo các chuyên gia nước ngoài, đây là những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp bắt đầu đi theo xu hướng chung của thế giới: kinh doanh dựa trên mạng xã hội. Có điều là, có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được những lợi thế của loại hình kinh doanh này.
Ông Phan Đăng An, Giám đốc Công ty đồ gỗ Lộc Lâm, cho biết công ty này đang tích cực tiếp thị trên các trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Facebook, Twitter và cả Google+. Mới chỉ có 10% số lượng khách viếng thăm chuyển thành khách mua hàng, nhưng sự thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng, khả năng thu nhận những ý kiến phản hồi tích cực từ họ khiến ông lạc quan. Ông chủ công ty Lộc Lâm tiết lộ sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho kế hoạch kinh doanh dựa trên mạng xã hội. “Tôi nghĩ đây sẽ là mô hình kinh doanh chính của công ty trong tương lai”, ông An nói.
Nhiều lợi ích
Không riêng gì ở Công ty Lộc Lâm, mô hình kinh doanh dựa trên mạng xã hội cũng là đề tài được nhiều doanh nghiệp trong nước nhắc đến và xem đây là một kênh truyền thông mang lại nhiều lợi ích và không thể làm ngơ.
Trưởng bộ phận Tiếp thị trực tuyến của Công ty Thế Giới Di Động (thegioididong.com) – bà Lê Thị Tú – cho rằng, muốn nắm giữ trái tim khách hàng thì không thể bỏ qua mạng xã hội vì nó cho phép doanh nghiệp truyền đạt những thông tin mà khách hàng muốn nghe.
Mặt khác, mạng xã hội cũng cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin hết sức quý giá về thói quen, hành vi, sở thích, những phản ứng của khách hàng và có thể đo lường được thông tin hoặc chi phí mà doanh nghiệp đã đầu tư cho truyền thông xã hội. Bà Tú cho biết, thegioididong.com sẽ hướng đến mô hình kinh doanh này trong tương lai không xa, nhất là khi sắp tới sẽ triển khai mô hình kinh doanh trực tuyến.
Chưa khai thác được thế mạnh
Tuy mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, việc kinh doanh dựa trên mạng xã hội không phải là dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được hiệu quả của công cụ này vì nhiều lý do.
Ông Phạm Hải Đăng, Trưởng bộ phận Tiếp thị trực tuyến Công ty TNHH sản xuất-thương mại nệm mousse Liên Á, cho biết mô hình kinh doanh trên mạng xã hội hiện nay chưa phù hợp với công ty ông và các trang này chỉ là một trong các công cụ để truyền thông. Bởi theo ông Đăng, khách hàng trên các trang mạng xã hội phần lớn có tuổi đời khá trẻ (từ 30 trở xuống) nên ít có nhu cầu mua sắm các vật dụng gia đình. Trong khi đó, đối tượng công ty này nhắm đến là khách hàng độ tuổi 30 trở lên và thường sử dụng công cụ Google để tìm kiếm sản phẩm. Đó là chưa kể trong tổng số người dùng Internet tại Việt Nam thì lượng người sử dụng các trang mạng xã hội chiếm tỷ trọng khiêm tốn hơn nhiều so với lượng người dùng Google.
Còn theo bà Phan Thị Bích Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm giải pháp nội dung số (Digital Content Solutions Center) của Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt, hiện công ty đang kinh doanh với cả hai thị trường là B2C (Business to Customer) và B2B (Business to Business). Trong khi, mạng xã hội chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng B2C nên chưa thể là công cụ kinh doanh chính của công ty.
Có ý kiến còn cho rằng, các trường hợp tạo hiệu ứng tốt trên mạng xã hội thường là các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn như Coca-Cola, Yamaha, Honda, Vinamilk... vốn xem hoạt động tiếp thị quan trọng như việc gìn giữ tài sản của công ty. Ngoài ra, do hình thức truyền thông này quá mới, các giám đốc tiếp thị sẽ khó thuyết phục ban giám đốc duyệt chi phí, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.
Dưới góc độ là nhà cung cấp giải pháp kinh doanh mạng xã hội, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, phụ trách Zing, nhận xét các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự chú trọng đầu tư cho việc kinh doanh trên mạng xã hội. Tuy chi phí đầu tư trên mạng xã hội không cao, nhưng hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn khá dè dặt khi trích ngân sách cho các hoạt động truyền thông cũng như xây dựng và chăm sóc cộng đồng trung thành của mình.
Mạng xã hội là kênh giao tiếp – nơi mà doanh nghiệp có thể tận dụng việc đối thoại để tương tác với khách hàng, từ đó đưa ra các kế hoạch truyền thông và tiếp thị rộng rãi tới cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư về thời gian vì mạng xã hội là kênh giao tiếp nên tần suất chia sẻ nội dung của doanh nghiệp phải đều đặn để bảo đảm thu hút sự chú ý từ cộng đồng cũng như theo dõi sát sao các hoạt động trên mạng xã hội để kiểm soát luồng thông tin.
Vẫn cần những công cụ, nguồn nhân lực hỗ trợ
Dù mạng xã hội chỉ đóng vai trò là công cụ truyền thông hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu về kinh doanh ngay thời điểm hiện tại nhưng nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng sẽ tận dụng được các kênh này tốt hơn nếu có các công cụ, nguồn nhân lực hỗ trợ.
Như trường hợp của nệm Liên Á, ông Hải Đăng cho rằng các trang mạng xã hội sẽ phù hợp với sản phẩm của công ty hơn nếu có thêm tiện ích cho phép đặt hàng và thanh toán tích hợp trên đây. Hiện trang Zing Me đã có các công cụ này nhưng người sử dụng lại không nằm trong độ tuổi mà công ty hướng đến. Về phần mình, dù khá hài lòng với hệ thống chăm sóc, bán hàng, tiếp thị trực tuyến hiện tại (trong đó bao gồm cả mạng xã hội, blog, YouTube, Picassa...), ông An của Công ty Lộc Lâm vẫn chưa tìm ra công cụ đáp ứng yêu cầu trong việc tương tác với người sử dụng trên mạng xã hội một khi số lượng này tăng lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trên hết vẫn là vấn đề nhân sự vì suy cho cùng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất đứng đằng sau các hoạt động quản lý, vận hành các công cụ đó và đây là vấn đề Lạc Việt đang đối mặt. Theo bà Tâm, hiện nay công ty đã có quy trình thực hiện, công cụ để phân tích kích doanh, nhắm đến đối tượng khách hàng tiềm năng trên mạng xã hội nhưng vẫn chưa tìm được nhân sự đáp ứng yêu cầu của công ty.
Nguồn : Công Sang ( The Saigon Time)